Nguồn: “Cai Xia on why China’s one-party system holds back the country”, The Economist, 8/12/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Trung Quốc đã “hoàn thành một quá trình công nghiệp hóa”, tạo ra cả tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tự hào tuyên bố như vậy trong một “nghị quyết lịch sử” được thông qua vào ngày 11 tháng 11. Đảng tuyên bố rằng họ đang “tiên phong mở một con đường độc đáo của Trung Quốc để tiến tới hiện đại hóa, tạo ra một mô hình mới cho sự tiến bộ của con người”.
Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc thực sự ấn tượng, nhưng mọi người trên khắp thế giới không nên bị đánh lừa bởi hình dáng bên ngoài của nó. Thực tế là xã hội Trung Quốc rất mong manh vì chế độ độc tài độc đảng của nước này, và việc áp dụng các thực hành dân chủ sẽ giúp làm cho đất nước vững mạnh hơn.
“Con đường độc đáo của Trung Quốc”, như cách gọi của đảng, không là gì khác ngoài tăng trưởng kinh tế không có kiểm soát dựa trên hạn chế nhân quyền và ô nhiễm môi trường tràn lan. Sự phát triển mang tính “săn mồi” này đã làm cạn kiệt tài nguyên của Trung Quốc, từ môi trường đến con người. Phép màu kinh tế chỉ là tạm thời, không bền vững. Về lâu dài, hệ thống độc đảng, bằng cách không cho phép các quan điểm khác nhau được thể hiện một cách công khai, sẽ là một thảm họa cho sự phát triển của Trung Quốc và xã hội loài người.
Mục đích của đảng trong việc phát triển nền kinh tế không thực sự là để mang lại lợi ích cho người dân, mà là sử dụng tốc độ tăng trưởng nhanh để duy trì sự ổn định nội bộ. Đảng dành những ưu ái và lợi ích để thu phục công chúng trong khi nô dịch họ, để giữ quyền lực của mình. Đồng thời, đảng cũng đang tăng cường năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng cho chiến tranh, để cạnh tranh với Mỹ nhằm giành quyền bá chủ toàn cầu và hiện thực hóa tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Đảng và chính phủ đã cố ý cướp đoạt tài sản tư nhân. Tham nhũng tồn tại phổ biến trong các quan chức đảng. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa đảng và nhân dân, điều sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970, nước này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và bốn con hổ kinh tế châu Á là Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Nhiều công ty của họ đã vào Trung Quốc, mang theo công nghệ tiên tiến và các phương thức quản trị tinh vi, qua đó giúp Trung Quốc phát triển công nghệ và lực lượng nhân tài cần thiết để hiện đại hóa. Tổ chức Thương mại Thế giới đã mở cửa kết nạp Trung Quốc vào năm 2001, giúp Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường thế giới rộng lớn.
Sự phát triển kinh tế trong tương lai, được dẫn dắt bởi công nghệ, đòi hỏi Trung Quốc phải tăng cường giao lưu hữu nghị với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Nhưng bản chất bá quyền của hệ thống độc tài độc đảng, cùng chính sách ngoại giao “chiến lang” và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ vô đạo đức của Trung Quốc, đã khiến nhiều quốc gia phải dè chừng, thúc đẩy họ đoàn kết nhằm chống lại sự bành trướng và bắt nạt của Trung Quốc. Nó khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng tương đối bị cô lập trong cộng đồng quốc tế và thiếu một môi trường bên ngoài thuận lợi cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.
Bản thân sự tăng trưởng của Trung Quốc đã gây ra các phí tổn lớn về mặt xã hội, điều mà các thực hành dân chủ có thể giúp ngăn cản. Để phát triển nhanh, đảng đã không ngại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Điều này khiến các “làng ung thư” xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước. Số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vì môi trường suy thoái tăng mạnh. Nhiều người đã trở nên bần cùng vì bệnh tật.
Đảng cũng sử dụng quyền lực quản lý của mình để tước quyền thương lượng của người lao động Trung Quốc, dẫn đến giá nhân công thấp. Điều này có hại cho người dân. Tần Huy (Qin Hui), một sử gia thẳng thắn của Trung Quốc, coi đây là một “lợi thế so sánh không thể sao chép nếu không có bàn tay sắt”. Quyền lợi của đại đa số người dân Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng, còn đảng thì hưởng lợi lớn.
Những người nông dân lên thành phố làm việc để lại con cái họ ở quê nhà, dẫn đến hơn 60 triệu “trẻ em bị bỏ lại” trong cảnh nghèo khó và không có cha mẹ cạnh bên ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Các vấn đề về tâm lý và nhân cách của họ, cũng như lối sống thiếu lành mạnh, bình thường và các cơ hội giáo dục tốt, gây ra những khó khăn rất lớn. Điều này cản trở việc nâng cao kỹ năng của thế hệ trẻ để họ có thể đáp ứng được các nhu cầu của đất nước.
Ngoài ra, còn có vấn đề đổi mới sáng tạo, nền tảng của tăng trưởng trong tương lai. Điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự sáng tạo là tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ các quyền cơ bản của con người và đề cao quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Để kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, nước này cần tuân theo xu thế tự do, dân chủ chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hệ thống độc đảng về cơ bản chống lại tự do và dân chủ. Nó không chỉ là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển của Trung Quốc, mà còn là một thảm họa về quyền tự do dân sự.
Các trụ cột của chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc là bạo lực và khủng bố, dối trá và lừa lọc, đi kèm với sự giám sát chặt chẽ. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã sử dụng nhiều hơn các công nghệ kỹ thuật số để củng cố sự kiểm soát của đảng đối với đất nước. Các quan chức đã thực hiện một hình thức diệt chủng quy mô lớn ở các vùng dân tộc thiểu số như Tân Cương, cao nguyên Tây Tạng và Nội Mông.
Ở phần còn lại của Trung Quốc, họ đã đàn áp mạnh tay những công dân chống lại chế độ độc tài toàn trị, kết án, bỏ tù hoặc tra tấn họ. Dưới sự khủng bố bạo lực như vậy, ý chí tự do của con người bị dập tắt và sức sáng tạo của cá nhân bị bóp nghẹt. Làm thế nào Trung Quốc có thể thành công trong tương lai nếu đè bẹp tinh thần của người dân ngày nay?
Để tăng cường khả năng kiểm soát xã hội, đời sống trí thức và văn hóa, đảng đã củng cố các tiêu chuẩn chính trị và tư tưởng áp dụng ở mọi cấp học, từ tiểu học đến sau đại học. Như vào thời nhà Tần, khoảng năm 200 trước Công nguyên, ngày nay Đảng đã thực hiện một phiên bản hiện đại của chính sách “đốt sách chôn nho”.
Đảng tịch thu các công trình học thuật xuất bản ở nước ngoài, và cấm thảo luận về các ý tưởng học thuật nước ngoài. Một số trường đại học thậm chí còn không cho phép các khoa ngoại ngữ sử dụng sách giáo khoa bằng tiếng nước ngoài. Việc tách biệt khỏi các thành tựu của nền văn minh nhân loại chắc chắn sẽ cản trở chân trời tri thức và trí tuệ của giới trẻ Trung Quốc, đồng thời khiến việc trau dồi tư duy sáng tạo trở nên khó khăn hơn. Kết quả là Trung Quốc sẽ thiếu những nhân tài cần thiết để dẫn dắt trong tương lai.
Chế độ độc tài độc đảng là một trở ngại lớn đối với Trung Quốc. Nó thậm chí có thể gây ra những thảm họa xã hội hoặc chính trị không lường trước được. Chỉ bằng cách chấm dứt hệ thống quản trị độc tài này và tiến tới một nền dân chủ hợp hiến thì đất nước mới có thể phát triển kinh tế – xã hội một cách vững mạnh và lâu bền.
Thái Hà là giáo sư lý luận chính trị tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh từ năm 1998 đến năm 2012. Từ năm 2019, bà sống lưu vong ở Mỹ.
Nguồn: “China’s Communist Party at 100: the secret of its longevity”, The Economist, 26/06/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 1 tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình. Đảng luôn tự gọi mình là “vĩ đại, vinh quang và đúng đắn”. Và khi bắt đầu thế kỷ thứ hai, đảng có lý do chính đáng để tự hào. Đảng không chỉ tồn tại lâu hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà phê bình; mà thậm chí còn tỏ ra ngày càng mạnh hơn. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều chuyên gia đã nghĩ rằng Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ theo. Để biết họ đã nhận định sai như thế nào, hãy xem việc Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13 tháng 6 vừa qua rằng không chỉ Mỹ mâu thuẫn với Trung Quốc, mà phần lớn thế giới nghi ngờ “liệu các nền dân chủ có thể cạnh tranh [được với Trung Quốc] hay không ”.
Một đảng đã cai trị Trung Quốc trong 72 năm mà không có sự trao quyền của cử tri. Đó không phải là một kỷ lục thế giới. Lenin và những người thừa kế đã nắm giữ quyền lực ở Moskva lâu hơn một chút, tương tự là Đảng Lao động ở Triều Tiên. Nhưng không có chế độ độc tài nào khác có thể chuyển mình từ một chế độ đói kém như Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến khiến những con đường và hệ thống đường sắt sắt ọp ẹp của Mỹ phải xấu hổ. Những người cộng sản Trung Quốc đã trở thành những nhà độc tài thành công nhất thế giới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể duy trì quyền lực của mình vì ba lý do. Đầu tiên, đảng rất tàn nhẫn. Đúng vậy, họ từng do dự trước khi đè bẹp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Nhưng cuối cùng đảng đã đáp trả người biểu tình bằng súng đạn, khiến đất nước phải khuất phục.
Các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc không có dấu hiệu gì cảm thấy hối tiếc về vụ thảm sát. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình than thở rằng Liên Xô sụp đổ vì các nhà lãnh đạo của họ không đủ “sức mạnh để đứng lên và kháng cự” tại thời điểm quan trọng. Điều đó hàm ý rằng: không giống như chúng tôi, họ không có gan để tàn sát những người biểu tình không vũ trang bằng súng máy.
Lý do thứ hai lý giải khả năng cầm quyền lâu dài của đảng là sự linh hoạt về ý thức hệ. Chỉ vài năm sau khi Mao qua đời vào năm 1976, một nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình, bắt đầu loại bỏ các “công xã nhân dân” vốn kiềm chế năng suất lao động của vị cố chủ tịch và thiết lập các lực lượng thị trường hoạt động hiệu quả ở nông thôn. Những người theo chủ nghĩa Mao đã không hài lòng, nhưng sản lượng đã tăng vọt. Sau biến cố Thiên An Môn và sự sụp đổ của Liên Xô, Đặng đã chiến đấu chống lại các thành phần Mao-ít bảo thủ và đón nhận chủ nghĩa tư bản với lòng nhiệt thành lớn hơn. Điều này dẫn đến việc đóng cửa nhiều công ty quốc doanh và tư nhân hóa nhà ở. Hàng triệu người mất việc làm, nhưng Trung Quốc đã phát triển vượt bậc.
Dưới thời ông Tập, đảng đã thay đổi một lần nữa, để tập trung vào ý thức hệ chính thống. Những người tiền nhiệm gần đây của ông đã cho phép một mức độ bất đồng chính kiến nhất định; nhưng ông Tập đã chấm dứt điều đó. Mao một lần nữa được ca ngợi. Các cán bộ của Đảng thấm nhuần “tư tưởng Tập Cận Bình”. Bộ máy hành chính, quân đội và cảnh sát đã thanh trừng những quan chức lệch lạc và tham nhũng. Các doanh nghiệp lớn đang được chấn chỉnh. Ông Tập đã xây dựng lại đảng từ cơ sở, tạo ra một mạng lưới theo dõi ở địa phương và đưa cán bộ vào các công ty tư nhân để giám sát họ. Xã hội chưa bao giờ bị kiểm soát chặt chẽ như vậy kể từ thời Mao.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến thành công của đảng là Trung Quốc đã không biến mình thành một chế độ “đạo tặc” hoàn toàn, trong đó của cải chỉ dành cho những người có quan hệ tốt. Tham nhũng đúng là đã trở nên tràn lan, và những gia đình quyền lực nhất thực sự là những người siêu giàu. Nhưng nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ cũng đang được cải thiện và đảng đủ tinh để nhận ra những mong muốn của họ. Đảng đã bãi bỏ thuế nông thôn và tạo ra một hệ thống phúc lợi cung cấp lương hưu và trợ cấp chăm sóc y tế cho tất cả mọi người. Các lợi ích không phải là nhiều, nhưng chúng được đánh giá cao.
Trong những năm qua, các nhà quan sát phương Tây đã tìm ra rất nhiều lý do để dự đoán sự sụp đổ của đảng. Có chắc chắn là sự kiểm soát của một nhà nước độc đảng sẽ không thể tương thích với sự tự do mà một nền kinh tế hiện đại yêu cầu hay không? Một ngày nào đó, chắc chắn đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cạn kiệt, dẫn đến sự vỡ mộng và các cuộc biểu tình. Hoặc nếu không, tầng lớp trung lưu rộng lớn mà tăng trưởng kinh tế tạo ra chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn – đặc biệt là vì rất nhiều con cái của họ đã được tự mình trải nghiệm dân chủ khi họ theo học ở phương Tây.
Những dự đoán này đã bị “việt vị” trước sự ủng hộ kéo dài mà người dân dành cho Đảng Cộng sản. Nhiều người Trung Quốc đánh giá cao Đảng vì giúp cải thiện sinh kế cho họ. Đúng là lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi, thu hẹp lại và quen với việc được nghỉ hưu sớm một cách quá mức, nhưng đó là những khó khăn mà chính phủ nào cũng gặp phải, dù có độc tài hay không. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dường như vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa.
Nhiều người Trung Quốc cũng ủng hộ các biện pháp mạnh tay của đảng. Họ nói hãy xem Trung Quốc đã nghiền nát Covid-19 và vực dậy nền kinh tế của mình nhanh chóng như thế nào, trong khi các nước phương Tây vẫn đang vấp ngã. Họ thích thú với ý tưởng về việc khôi phục niềm tự hào và sức mạnh của Trung Quốc trên vũ đài thế giới. Điều này phù hợp với thứ chủ nghĩa dân tộc mà đảng đang muốn thúc đẩy. Truyền thông nhà nước gắn đảng với quốc gia và văn hóa dân tộc, trong khi đả kích Mỹ là vùng đất của bạo loạn chủng tộc và các vụ thảm sát bằng súng. Họ cho rằng lựa chọn khác ngoài chế độ độc đảng chính là sự hỗn loạn.
Khi bất đồng chính kiến nổi lên, ông Tập sử dụng công nghệ để giải quyết trước khi nó tích tụ. Đường phố Trung Quốc tràn ngập camera, được tăng cường bởi các phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Các phương tiện truyền thông xã hội bị giám sát và kiểm duyệt. Các quan chức có thể giải quyết vấn đề từ sớm hoặc bắt giam những công dân dám nêu các vấn đề này lên. Những người có suy nghĩ “lệch lạc” có thể bị mất việc làm và mất cả tự do. Cái giá cho sự thành công của đảng, thông qua đàn áp tàn bạo, quả thật khủng khiếp.
Không đảng nào tồn tại mãi mãi
Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với ông Tập không đến từ quần chúng, mà từ chính nội bộ đảng. Bất chấp mọi nỗ lực của Tập, đảng vẫn hứng chịu chủ nghĩa bè phái, sự thiếu trung thành và sự buông thả về ý thức hệ. Các đối thủ bị cáo buộc âm mưu tiếm quyền đã bị bỏ tù. Chính trị Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu minh bạch hơn trong những thập niên qua, nhưng những cuộc thanh trừng không ngừng của ông Tập cho thấy ông nhận ra vẫn còn nhiều kẻ thù giấu mặt.
Thời điểm bất ổn lớn nhất có thể sẽ là thời điểm diễn ra sự chuyển giao quyền lực. Không ai biết ai sẽ thay thế ông Tập, hoặc thậm chí đâu là những quy tắc điều chỉnh quá trình chuyển giao đó. Khi loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018, Tập đã báo hiệu rằng ông muốn nắm giữ quyền lực vô thời hạn. Nhưng điều đó có thể làm cho việc chuyển giao quyền lực sau này thêm bất ổn. Mặc dù nguy cơ đối với đảng không nhất thiết sẽ dẫn đến một nền cai trị văn minh hơn mà những người yêu tự do mong muốn, nhưng đến một lúc nào đó, ngay cả triều đại này của Trung Quốc cũng sẽ cáo chung.
Nguồn: Minxin Pei, “The Coming Crisis of China’s One-Party Regime”, Project Syndicate, 20/09/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 1 tháng 10 năm nay, để đánh dấu 70 năm ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu nhằm ca ngợi thành tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ năm 1949. Nhưng bất chấp sự tự tin và lạc quan rõ ràng của ông Tập, các thành viên trên dưới của Đảng ngày càng lo lắng cho triển vọng tương lai của chế độ – với những lý do chính đáng.
Vào năm 2012, khi Tập lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, ông đã hứa rằng Đảng sẽ cố gắng mang lại những thành công vĩ đại trước thềm hai lễ kỷ niệm một trăm năm sắp tới, đó là ngày thành lập ĐCSTQ vào năm 1921 và ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Nhưng một sự suy giảm kinh tế dai dẳng và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ có thể sẽ làm xáo trộn tâm trạng của ĐCSTQ trong lễ kỷ niệm năm 2021. Và chế độ độc đảng thậm chí có thể không tồn tại được cho đến năm 2049.
Mặc dù về mặt kỹ thuật không có giới hạn thời gian đối với một chế độ độc tài, nhưng ĐCSTQ đang đến gần với giới hạn tuổi thọ dành cho cho chế độ độc đảng. Đảng Cách mạng Thể chế Mexico từng nắm giữ quyền lực trong 71 năm (1929-2000); Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền trong 74 năm (1917-1991); và Quốc Dân Đảng ở Đài Loan nắm quyền trong 73 năm (từ 1927 đến 1949 ở đại lục và từ 1949 đến 2000 tại Đài Loan). Chế độ Bắc Triều Tiên, một triều đại gia đình trị kiểu Stalinist đã cai trị 71 năm, hiện là đối thủ cạnh tranh đương thời của ĐCSTQ.
Nhưng các mẫu hình lịch sử không phải là lý do duy nhất khiến ĐCSTQ phải lo lắng. Các điều kiện cho phép chế độ phục hồi sau các thảm họa tự gây ra của chủ nghĩa Mao và trở nên thịnh vượng trong bốn thập niên qua phần lớn đã được thay thế bởi một môi trường ít thuận lợi hơn – và một số khía cạnh đã trở nên nhiều thù địch hơn.
Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại lâu dài của Đảng nằm ở cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra với Mỹ. Trong phần lớn thời kỳ hậu Mao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giấu mình trên trường quốc tế, cố gắng tránh xung đột trong khi xây dựng sức mạnh trong nước. Nhưng đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng phô trương cơ bắp. Điều này đã làm bất an Hoa Kỳ, nước đã bắt đầu dần dần chuyển từ chính sách can dự sang chính sách đối đầu vốn đã rõ ràng hiện nay.
Với khả năng quân sự, công nghệ, hiệu quả kinh tế vượt trội cùng mạng lưới liên minh (vẫn mạnh mẽ bất chấp sự lãnh đạo mang tính phá hoại của Tổng thống Donald Trump), Mỹ có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc chiến tranh lạnh Trung-Mỹ hơn so với Trung Quốc. Mặc dù chiến thắng của Mỹ có thể sẽ rất tốn kém, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ định đoạt được số phận của ĐCSTQ.
ĐCSTQ cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn. Cái gọi là phép màu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một lực lượng lao động lớn và trẻ, đô thị hóa nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tự do hóa thị trường và toàn cầu hóa – tất cả các yếu tố này đã suy giảm hoặc biến mất.
Những cải cách rốt ráo – đặc biệt là trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và chấm dứt các chính sách thương mại tân trọng thương – có thể duy trì đà tăng trưởng. Nhưng, dù hô hào cải cách thị trường hơn nữa, nhưng ĐCSTQ miễn cưỡng thực hiện chúng, thay vào đó lại bám vào các chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và gây hại cho các doanh nghiệp tư nhân. Do khu vực nhà nước đóng vai trò nền tảng kinh tế cho chế độ độc đảng, nên triển vọng các lãnh đạo ĐCSTQ sẽ đột nhiên ủng hộ cải cách kinh tế triệt để là mờ mịt.
Xu hướng chính trị trong nước cũng đáng lo ngại tương tự. Dưới thời ông Tập, ĐCSTQ đã từ bỏ chủ nghĩa thực dụng, sự linh hoạt về ý thức hệ và lãnh đạo tập thể vốn đã rất hiệu quả trong quá khứ. Với sự áp dụng chủ nghĩa tân Mao của Đảng – bao gồm tuân thủ nghiêm ngặt ý thức hệ, kỷ luật tổ chức cứng nhắc và chế độ cai trị một người dựa trên việc gieo rắc nỗi sợ hãi – rủi ro của những sai lầm chính sách thảm khốc đang gia tăng.
Chắc chắn là ĐCSTQ sẽ không chịu sụp đổ mà không nỗ lực đấu tranh chống lại điều đó. Khi sự kiểm soát quyền lực suy yếu dần, có lẽ Đảng sẽ cố gắng khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong số những người ủng hộ, đồng thời tăng cường đàn áp những người chống đối.
Nhưng chiến lược này không thể cứu vãn nổi chế độ độc đảng của Trung Quốc. Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có thể tăng cường sự ủng hộ dành cho ĐCSTQ trong ngắn hạn, năng lượng của nó cuối cùng sẽ tiêu tan, đặc biệt là nếu Đảng không thể tiếp tục cải thiện mức sống cho người dân. Và một chế độ phụ thuộc vào cưỡng ép và bạo lực sẽ phải trả giá đắt vì hoạt động kinh tế sẽ bị kìm nén, sự kháng cự của người dân gia tăng, chi phí an ninh leo thang, đi kèm với sự cô lập quốc tế.
Đây không phải là bức tranh đáng phấn khởi mà ông Tập sẽ trình bày cho người dân Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 tới. Nhưng không có liều lượng dân tộc chủ nghĩa nào có thể thay đổi được thực tế rằng sự tan rã của chế độ ĐCSTQ hiện đang đến gần hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc thời đại của Mao.
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Truy??n ng??n c??a ???? Ho??ng H??n th??ng n??y, m??a nh??ng...