Để những câu hò, điệu hát vang vọng mãi với thời gian, bà Nguyễn Thị Lý (nghệ nhân Hải Lý, 61 tuổi, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) luôn tâm niệm sẽ dành cả cuộc đời để giữ lửa loại hình văn hóa dân gian độc đáo của quê hương Quảng Bình. Với bà, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là tình yêu và đam mê, mà còn là trách nhiệm lưu truyền, phát huy vốn quý của văn hóa dân tộc.
Giữ lửa cho điệu hò quê hương
Khi còn là cô bé 12 tuổi, nghệ nhân Hải Lý được theo bố và cô ruột đi tập luyện, biểu diễn văn nghệ, dần dà, hò khoan Lệ Thủy đã “ngấm” vào con người bà lúc nào không hay. Từng câu hò, điệu hát của người bố (nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng Nguyễn Hữu Sào), đã tạo nên sự đam mê, hối thúc bà đến với các làn điệu hò khoan một cách tự nhiên, như định mệnh. Cũng từ đây, cuộc đời bà gắn với nghiệp biểu diễn và bảo tồn loại hình văn nghệ dân gian độc đáo ấy.
Năm 18 tuổi, bà được cử đi tập huấn, trau dồi về hò khoan Lệ Thủy và hoạt động tại đội văn nghệ xã Thanh Thủy. Bà được nhiều nghệ nhân tài năng lớp trước như Nam Kỷ, Mộng Điệp, Châu Dinh truyền dạy, chỉ bảo tận tình về hò khoan Lệ Thủy và cả dân ca Bình Trị Thiên. Sớm nhận thấy năng khiếu, đam mê nghề cháy bỏng của Hải Lý, thầy Hoàng Đình Luyện đã tận tâm dìu dắt, hướng dẫn bà sưu tầm, soạn lời, sáng tác để làm phong phú hơn vốn văn hóa truyền thống địa phương.
Từ những năm 1981 đến 1985, nghệ nhân Hải Lý cộng tác với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy, tích cực tham gia truyền dạy hò khoan và dân ca Bình Trị Thiên cho các đội văn nghệ cơ sở. Đây là quãng thời gian vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng cũng để lại trong bà rất nhiều kỷ niệm, trở thành động lực mạnh mẽ để bà gắn bó với nghề. “Hồi đó, để di chuyển từ xã này sang xã khác, có những bận, anh chị em phải đạp xe trong đêm mưa lạnh buốt. Cuối buổi diễn, chỉ có những tràng pháo tay và vài gói kẹo chanh, nhưng phần thưởng quý giá nhất là tình cảm của người dân, ghi nhận sự cống hiến tận tụy của anh chị em trong đội văn nghệ” - nghệ nhân Hải Lý kể.
Nửa thế kỷ gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, bà đã tham gia nhiều hội diễn, liên hoan dân ca, nghệ thuật truyền thống Bắc Trung Bộ và đạt những thành tích nổi bật, như Huy chương vàng Hội diễn đàn và hát dân ca tại Hà Tĩnh năm 1980; Huy chương bạc Hội diễn Hát ru khu vực miền trung tại Thừa Thiên-Huế năm 1992; diễn viên xuất sắc tại Liên hoan thông tin lưu động lần thứ nhất tỉnh Quảng Bình năm 1995; giải A tại Liên hoan đàn và hát dân ca tỉnh Quảng Bình năm 2007; cùng các bằng khen, giấy khen của các ban, ngành, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình.
Ở tuổi 61, điều canh cánh trong lòng nghệ nhân Hải Lý là việc hò khoan Lệ Thủy ngày càng mai một, nhất là những cách tân chưa phù hợp trong các hội thi. Mặt khác, những người truyền dạy nghề còn ít kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy ra đời năm 2013 do nghệ nhân Hải Lý khởi xướng, đã trở thành cầu nối thiết thực, gần gũi giữa cộng đồng những người yêu hò khoan Lệ Thủy. Với 15 thành viên luyện tập thường xuyên ba buổi mỗi tuần, kinh phí tự túc, hoạt động của câu lạc bộ là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mong muốn của nghệ nhân Hải Lý và anh chị em đam mê hò khoan Lệ Thủy là công tác xã hội hóa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa bằng những việc làm thiết thực, như đưa dân ca vào trường học, đặt các lời ca mới phù hợp để phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, như tổ chức các hội thi đàn hát dân ca, để nhiều người trau dồi, học hỏi và truyền dạy...
Các thành viên Câu lạc bộ thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy biểu diễn một làn điệu hò khoan.
Ươm mầm tương lai
Cùng với tổ chức câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy, nghệ nhân Hải Lý dành nhiều tâm huyết truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này cho thế hệ trẻ, thông qua việc hướng dẫn, dạy hát dân ca trong trường học. Lệ Thủy là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Bình đưa hò khoan vào nội dung chương trình học, trở thành bộ môn bắt buộc trong các nhà trường, được đông đảo học sinh và phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng. Thời gian qua, hầu như các trường học đã thành lập các câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy, mở các buổi giao lưu, thi “Em hát dân ca”, tạo nên không khí vui tươi, giúp các em nhận thức được giá trị và có ý thức bảo tồn, phát huy của các làn điệu hò khoan trong đời sống. Nghệ nhân Hải Lý được mời đến nói chuyện về dân ca, dạy hát cho cả thầy và trò...
Chúng tôi may mắn được tham dự một buổi giao lưu “Em hát dân ca” của Trường THCS Liên Thủy. Nghe các em say mê hát bằng chất giọng mộc mạc, chân chất mà trầm lắng, dung dị mà gần gũi, mới thấy được ý nghĩa nhân văn của môn học đặc biệt này. Quả thực, làn điệu dân ca Lệ Thủy là giai điệu tâm tình, có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người; những lời hò khoan mộc mạc, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ, nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Cô giáo Tổng phụ trách Đội Trường THCS Liên Thủy cho biết, giáo viên hát được hò khoan đã khó, muốn học sinh hát được hò khoan càng khó hơn. Sau các buổi tập huấn, truyền dạy của nghệ nhân, các giáo viên phải tự tập hò và sau đó dạy lại cho học sinh. Ngoài tài liệu được truyền dạy và sưu tầm ở địa phương, website về hò khoan của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cũng được giáo viên thường xuyên truy cập để tìm hiểu, bổ sung kiến thức về hò khoan cho các em. Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch, nhà trường chú trọng đào tạo những hạt giống để những học sinh có năng khiếu sẽ trực tiếp hướng dẫn lại cho các bạn, các em của mình. Trong các giờ dạy hát, học sinh làm quen với các điệu hò khoan có nội dung giản dị, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em. Việc này được nhà trường thực hiện vào đầu mỗi buổi học; giờ ra chơi hoặc các hoạt động ngoài giờ lên lớp, như trồng cây, lao động vệ sinh, nhà trường đều cho mở băng đĩa các bài hò khoan Lệ Thủy, để các em thưởng thức, hát theo, làm quen giai điệu và thuộc ca từ.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Vững, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy, hiện toàn bộ các trường trên địa bàn đã thành lập câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy và đi vào hoạt động nền nếp. Các lớp học đều có ít nhất một tiết mục hò khoan Lệ Thủy để tham gia hội diễn cấp trường hoặc biểu diễn vào buổi chào cờ các ngày thứ hai hằng tuần. Cứ như thế, hò khoan Lệ Thủy đi vào thế hệ trẻ một cách tự nhiên. Việc dạy hát dân ca và thành lập câu lạc bộ hò khoan trong trường học đã khẳng định việc làm đúng đắn, cần thiết, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống; đồng thời góp phần bồi bổ tâm hồn, hình thành các giá trị chân - thiện - mỹ cho học sinh.
Chiều xuống chậm trên cánh đồng lúa vàng rộm của xã Phong Thủy. Câu chuyện với nghệ nhân Hải Lý dường như dài thêm. Trăn trở với việc bảo tồn và phát huy giá trị của hò khoan Lệ Thủy, bà luôn cảm thấy mình cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, vì sự trường tồn của loại hình nghệ thuật dân gian này. Một đời bà theo hò khoan, đến lượt các con bà, dòng nhiệt huyết ấy vẫn âm ỉ cháy. Dù phải bôn ba kiếm sống, nhưng chưa bao giờ họ quên điệu hò quê hương. Dù xa quê, điệu hò khoan Lệ Thủy mà họ mang theo vẫn vang lên theo cùng nhịp sống.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Th???a m???t ng?????i ??an r??? Thi???u m???t nh?? ph?? b??nh ?????t n?????c m??nh th???m kh??? V??n ch????ng b???n ch??? t??nh! ????? Ho??ng (2) B??i in tr??n b??o V??n ngh??? s???: 18 + 19 th??? b???y 30 th??ng 4 & 7 ??? 5 -2016